Một người được triệu tập tới phiên tòa trước đó là ông Nguyễn Văn Lại – tổ trưởng, người tham gia ký biên bản thu thập vật chứng có đơn xin vắng mặt và gửi đến tòa bản tường trình về sự việc.
Khác phiên tòa diễn ra ngày 22/1/2016, khi bị cáo phản cung, thì tại phiên tòa này, sau khi VKS vừa công bố xong bản cáo trạng, ngay từ câu thẩm vấn đầu tiên, Lâm đã nhận tội.
Thừa nhận diễn biến vụ việc như cáo trạng truy tố, Lâm khẳng định, ngày 26/8/2015, Lâm đã cho Đỗ Xuân Hòa, Tạ Quang Khánh và Ma Thị Vân thuê phòng nghỉ 301 của nhà nghỉ Thiên Phú để hút ma túy.
Theo lời khai của Lâm tại tòa, sau khi Khánh đưa 200.000 đồng bảo tiền thuê phòng thì đối tượng này còn đưa cho Lâm 500.000 đồng và nhờ canh công an để “chơi đồ”.
Về vấn đề thu thập chứng cứ của vụ án, trả lời HĐXX bị cáo Lâm cho rằng, sau khi bị bắt quả tang, công an thu thập chứng cứ, bị cáo cùng một số người liên quan đã thực hiện ký vào biên bản thu thập vật chứng ngay tại phòng 301 của nhà nghỉ.
Vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lại, trong bản tường trình gửi tòa sáng 12/5, cũng thừa nhận ký tại phòng 301. Tuy nhiên, do ký vẫn chưa ghi đầy đủ họ tên nên ngày hôm sau ông này được mời lên trụ sở UBND xã để ghi đầy đủ tên họ của mình.
Trước đó tại phiên tòa trước, ông Lại cho hay, sau khi thu vật chứng, cơ quan công an bỏ vào túi ni lông rồi đưa về thị xã. Ngày 27/8/2015 (tức là một ngày sau khi sự việc kiểm tra nhà nghỉ Thiên Phú xảy ra), ông đến trụ sở UBND xã, lúc này một đồng chí công an trong đoàn kiểm tra nhà nghỉ đã đề nghị ông Lại ký vào thùng các-tông đã được niêm phong và được xem là vật chứng của vụ án.
Thân chủ “tố” ngược luật sư
Trước đó, tại phiên tòa xét xử ngày 22/1/2016, Nguyễn Đức Lâm khai hoàn toàn không biết việc 3 đối tượng thuê phòng để sử dụng ma túy. Bị cáo cho rằng, việc đưa 500.000 đồng là các đối tượng đưa với mục đích thừa thiếu tính sau.
Theo bị cáo, việc thu thập vật chứng, bị cáo không được ký tại phòng 301 mà được ký tại trụ sở công an thị xã.
Cũng tại phiên tòa ngày 22/1/2016, Lâm còn cho rằng mình bị ép cung, dùng nhục hình nên phải khai nhận tội. Lâm khai rất chi tiết việc mình bị đánh đập, bức cung.
Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, Lâm đổi giọng: “Bị cáo không bị ép cung, dùng nhục hình. Công an và VKS rất khách quan”.
>> Trước việc Nguyễn Đức Lâm tố cáo luật sư, phóng viên liên hệ với luật sư Nguyễn Ngọc Tấn – người từng bào chữa cho mình tại phiên tòa ngày 22/1/2016. Ông Tấn cho biết: “Là luật sư hoạt động theo quy định của pháp luật, hoạt động theo nguyên tắc và đạo đức hành nghề của luật sư, chúng tôi bảo vệ sự thật và chỉ sự thật. Chúng tôi đề nghị thân chủ phải tôn trọng sự thật khách quan và khai đúng sự thật khách quan bởi sự thật khách quan mới bảo vệ được chính họ”. Luật sư Nguyễn Đức Kiên – Đoàn Luật sư Hà Nội cùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Lâm từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cho biết: “Quá trình làm việc với Lâm, bị cáo luôn khẳng định với luật sư mình bị oan. Chúng tôi luôn đề nghị bị cáo phải khai đúng sự thật vì chỉ có sự thật mới bảo vệ và minh oan cho bị cáo được. Về cá nhân, tôi thấy trong vụ án này có dấu hiệu oan sai, cần phải xem xét lại toàn bộ quá trình tố tụng. Về phần luật sư chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp”.
Xét tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của bị cáo, VKS đề nghị hình phạt nghiêm khắc đối với Nguyễn Đức Lâm. Theo đó, VKS đề nghị tuyên phạt 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù giam.
Không đối đáp lại quan điểm của VKS, Nguyễn Đức Lâm khóc tức tưởi: “Hành vi của bị cáo là sai với pháp luật, bị cáo mong quý tòa xem xét cho bị cáo án thấp nhất”.
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Lâm kết thúc chóng vánh chỉ sau gần 1 giờ đồng hồ. Sau nghị án, HĐXX tuyên phạt Lâm 7 năm tù giam, phạt bổ sung 50 triệu đồng./.
Về nguyên nhân sự thay đổi màu sắc của vật chứng từ “nâu trắng” sang màu “trắng” tại tòa, ông Chu Ngọc – đại diện cơ quan thực hành quyền công tố của VKS Nhân dân Thị xã Phú Thọ cho rằng: Có sự khác nhau giữa màu sắc biên bản niêm phong và biên bản mở niêm phong vật chứng là do sự ghi nhận và cảm nhận màu sắc chất lỏng mẫu vật đánh giá chủ quan của người thực hiện trong điều kiện địa điểm, thời gian, ánh sáng khác nhau dẫn đến việc sử dụng từ miêu tả khác nhau. Trong trường hợp đối tượng sử dụng ma túy đá thường còn thừa một lượng khói nhất định, cộng với ánh sáng trong phòng, cộng với cảm quan của người thực hiện và sau một thời gian, khói trong ống thủy tinh bị khếch tán dẫn đến màu sắc của vật chứng có thể là khác nhau.