CÁC TỘI PHẠM

TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHOẺ CỦA NGƯỜI KHÁC ( ĐIỀU 104 )

Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi của một người cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khoẻ.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Về phía người phạm tội

Người phạm tội  phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ như: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc v.v... Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không làm cho nạn nhân bị chết.

 Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. so với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không mong muốn nạn nhân chết.

2. Về phía nạn nhân

Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khoẻ ở mức đáng kể. Nếu thương tích không đáng kể thì chưa phải là tội phạm. So với Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 lấy tỷ lệ thương tật của nạn nhân làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và định khung hình phạt đối với người phạm tội

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, thì người bị thương tích hoặc bị tổn hại đén sức khỏe phải có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ để xác định tỉ lệ thương tật là kết luận của Hội đồng giám định y khoa, trong trường hợp ở nơi nào không tổ chức được Hội đồng giám định y khoa thì căn cứ vào Bảng tiêu chuẩn thương tật 4 hạng quy định tại Thông tư liên bộ 12/TTLB ngày 26-7-1995 của Bộ Y tế - Bộ lao động, thương binh và xã hội.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người ( điểm a khoản 1 Điều 104)

Hung khí nguy hiểm chính là phương tiện mà người phạm tội thực hiện để gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, nhưng phương tiện đó mang tính chất nguy hiểm như dao, các loại lê, các loại súng, lựu đạn, thuốc nổ, Axit...

Hung khí nguy hiểm là bản thân nó chứa đựng khả năng gây ra nguy hiểm đến tính mạng sức khoẻ, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào cách sử dụng của người phạm tội

Thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người như đốt cháy, đầu độc, bắn vào chỗ đông người. Thủ đoạn là do người phạm tội thực hiện, do đó tính chất nguy hiểm phụ thuộc vào hành vi phạm tội chứ không phụ thuộc vào phương tiện mà người phạm tội sử dụng.

2. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân (điểm b khoản 1 Điều 104)

Cố tật là một tật trên cơ thể con người không bao giờ chữa khỏi. Cố tật nhẹ là tật không chữa khỏi, nhưng tỷ lệ thương tích chỉ dưới 11%.

Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định gây cố tật nhẹ, trong khi đó thực tiẽn xét xử có nhiều trường hợp người bị hại bị cố tật nặng, thậm chí rất nặng như bị mù cả hai mắt, cụt cả hai tay, hai chân, bị liệt toàn thân, bị bỏng nặng với diện 80% và độ 2-3... Các trường hợp quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự chỉ quy định tỷ lệ thương tật và nếu tỷ lệ thương tật dưới mức quy định mà gây cố tật nhẹ thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự. Cách quy định này tuy thuận tiện cho việc áp dụng Điều 104 Bộ luật hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng sẽ không phù hợp với một số trường hợp thực tế xảy ra. Ví dụ: một người bị đánh mù một mắt, phải khoét bỏ con mắt đó có tỷ lệ thương tật là 45%. Nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ thương tật thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104, nhưng vì người bị hại bị cố tật nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Nhưng bị khoét bỏ một con mắt thì không thể coi là cố tật nhẹ được.

Để tránh tình trạng đánh giá khác nhau về mức độ cố tật, điểm b khoản 1 Điều 104 chỉ nên quy định: "gây cố tật" mà không cần phải quy định "gây cố tật nhẹ". Hy vọng rằng khi sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999, vấn đề này sẽ được các nhà làm luật quan tâm hơn.

3. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe nhiều lần đối với cùng một người là trường hợp một người hoặc nhiều người cùng cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người, nhưng hành vi gây thương tích đó được diễn ra từ hai lần trở lên không kể khoảng cách thời gian là bao lâu. Ví dụ: A đấm nhiều cải vào mồm của B bị chảy máu, nhưng tỷ lệ thương tật của B chỉ có 8% nhưng A vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự vì A gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của B nhièu lần.

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người là trường hợp có từ hai người bị hại trở lên nhưng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa tới 11%. Ví dụ: A đánh B và C, trong đó tỷ lệ thương tật của B là 5%, của C là 4% nhưng A vấn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự. 

4. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ

Đây là trường hợp phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ. Nhưng tội phạm mà người phạm tội thực hiện ở đây là tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Cần phân biệt trường hợp phạm tội với trường hợp phạm tội "mà biết" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về trường hợp "giết phụ nữ mà biết là có thai". Do đó, chỉ cần xác định người bị hại là trẻ em, là phụ nữ đang có thai, là người già yếu, là người không có khả năng tự vệ mà tỷ lệ thương tật của những người này dưới 11% là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự rồi.

5. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về tội giết người, chỉ khác nhau ở chỗ trường hợp phạm tội này người phạm tội chỉ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà người đó là ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình mà tỷ lệ thương tật của người bị hại chưa đến 11%.

6. Phạm tội có tổ chức

Trưng hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm o khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về tội giết người, chỉ khác nhau ở chỗ trường hợp phạm tội này những người phạm tội chỉ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật của người bị hại chưa đến 11%.

7. Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong thời gian bị tam giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục được coi là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn, vì họ đang bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, hoặc đang bị quản lý chặt chẽ mà họ vẫn phạm tội, nên người phạm tội tuy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho người bị hại với tỷ lệ thương tật chưa đến 11% vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đang bị tạm giữ là đang bị giữ trong nhà tạm giữ của cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra hình sự  quân đội theo lệnh tạm giữ của người có thẩm quyền, trong thời gian đang bị tạm giữ lại cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong nhà tạm giữ.

Đang bị tạm giam là đang bị giam trong nhà tạm giam của Công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội theo lệnh tạm giam của người có thẩm quyền, trong thời gian đang bị tạm giam lại cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong nhà tạm giam.

Đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là đang bị giáo dục trong các cơ sở giáo dục của Bộ công an như:  Trường giáo dưỡng, các Trung tâm cải tạo do Bộ công an quản lý...

Không coi là phạm tội trong thời gian bị tam giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nếu như người đang bị tam giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đã bỏ trốn khỏi nhà tạm giữ, nhà tạm giam hoặc cơ sở giáo dục.

8. Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê

Tường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp thuê giết người hoặc giết người thuê quy định tại điểm m khoản 1 Điều 93, chỉ khác nhau ở chỗ người phạm tội trong trường hợp này chỉ thuê người khác gây thương tích hoặc được người khác thuê gây thương tích. Người thuê và người được thuê gây thương tích cho người khác đều được coi là nghiêm trọng hơn trường hợp gây thương tích bình thường, nên người bị hại chỉ bị thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe dưới 11% thì người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự.

9. Phạm tội có tính chất côn đồ hoặc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm

Cả hai trường hợp phạm tội này, các dấu hiệu đều tương tự với trường hợp phạm tội giết người có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm n và điểm p khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ, hai trường hợp phạm tội này nạn nhân chỉ bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ và người phạm tội cũng chỉ mong muốn như vậy. Nếu nạn nhân chết là ngoài sự mong muons của người phạm tội.

10. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

a.  Để cản trở người thi hành công vụ.

Đây là trường hợp tương tự với trường hợp giết người đang thi hành công vụ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này chỉ bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không bị chết và người phạm tội cũng chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân bị thương chứ không không mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết. Tuy nhiên, trong trường hợp phạm tội này người phạm tội gây thương tích cho nạn nhân là để cản trở việc thi hành công vụ của họ, còn ở tội giết người người phạm tội không nhất thiết cản trở việc thi hành công vụ của nạn nhân mà có thể vì động cơ khác. Các dấu hiệu khác của trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội giết người đang thi hành công vụ quy địng tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự (xem Giết người đang thi hành công vụ).

b.  Vì lý do công vụ của nạn nhân

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự với trường hợp giết người vì lý do công vụ của nạn nhân quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ trường hợp phạm tội này nạn nhân chỉ bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không bị chết và người phạm tội cũng chỉ mong muốn cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không mong muốn cho nạn nhân bị chết. Nếu nạn nhân chết là ngoài sự mong muốn của người phạm tội.

Các trường hợp phạm tội trên, nếu thương tích của người bị hại dươí 11% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, nếu thương tích của người bị hại từ 11% đến 30% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự, nếu thương tích của người bị hại 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên mà tỷ lệ thương tật của người bị hại dưới 11% thì người phạm tội chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 11% đến 30% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự, nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 61% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

11. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người

Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân lá ngoài ý muốn của người phạm tội.

Thương tích dẫn đến chết người, trước hết phải là thương tật nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích này, tức là giữa cái chết của nạn nhân và thương tích mà ngươig phạm tội gây ra cho nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả. Ví dụ: A chém B làm cho B bị đứt động mạch chủ và do bị mất nhiều máu nên B bị chết. Tuy nhiên, cũng coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người trong trường hợp nạn nhân là người cao tuổi, sức yếu bị bệnh nặng chỉ cần tác động không mạnh cũng đủ làm cho nạn nhân bị chết, nhưng vì người phạm tội không biết tình trạng bệnh tật của nạn nhân. Không coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, trong trường hợp nạn nhân chỉ bị thương tích nhẹ, nhưng vì những lý do khách quan nên nạn nhân bị chết. Ví dụ: Trần Văn H bị Đặng Quang M đâm vào bụng, H được mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng trước khi đưa H lên bàn mổ, một y tá đã tiêm cho H một ống thuốc trợ lực nhưng lại nhầm thuốc nên chỉ sau khi rút kim ra H đã bị chết.

Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, nếu dẫn đến chết nhiều người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự

12. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, ngoài trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người, thì trong thực tế còn có một số trường hợp mặc dù thương tích mà người phạm tội gây ra cho nạn nhân chưa phải là nặng thậm chí không đáng kể, nhưng tính chất của tội phạm rất nghiêm trọng. Ví dụ: Phạm Văn C do không nộp đủ mức khoáng sản nên bị hợp tác xã thu bớt lại ruộng, C đã đến văn phòng hợp tác xã chửi rủa, đe doạ đồng chí chủ nhiệm. Sau khi ở văn phòng hợp tác xã về, C nảy ý định trả thù đồng chí chủ nhiệm, y về nhà lấy dao sang nhà đồng chí chủ nhiệm, chỉ có ba đá con nhỏ của đồng chí chủ nhiệm đang chơi với nhau, trong đó có một cháu mới 4 tháng tuổi, C liền dùng dao chém nhiều nhát vào người vào mặt cả ba cháu, nhưng vì C chỉ dùng chiếc dao nhỏ sắc nên chỉ làm rách ra chảy máu, tỷ lệ thương tật của ba cháu không đáng kể. Sự trả thù hèn hạ này của C đáng phải bị trừng trị nghiêm khắc. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá VIII đã bổ sung trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng vào khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 để đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng này. Sau khi Quốc hội đã bổ sung vào khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 tình tiết "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng", tuy chưa có văn bản nào hướng dẫn trường hợp cố ý gây thương tích thế nào là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nhưng thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng đã coi các trường hợp phạm tội sau đây là trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng:

- Gây thương tích cho rất nhiều người trong đó có người bị thương tích nhẹ, có người bị cố tật nặng hoặc có tỷ lệ thương tật trên 60%.

- Gây thương tích nặng hoặc tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người (hai người trở lên) mà mỗi người đều có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên

Ngoài những trường hợp trên, tuỳ tình hình cụ thể của từng vụ án, xét đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do bị cáo gây ra mà có thể coi đó là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng để xử phạt bị cáo theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Trích "Bình luận khoa học Bộ luật hình sự"

Đinh Văn Quế - Chánh Tòa hình sự TAND tối cao

Gửi bình luận và chia sẻ bài viết này trên:

Tin tức tổng hợp
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ NỘI - AVINA